KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TÁI PHÁT Ở BỆNH NHÂN TÂM THẦN PHÂN LIỆT TÁI PHÁT NHẬP VIỆN TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN THÀNH PHỐ CẦN THƠ 2013 - 2014

Ngày đăng: 02/11/2017
KHẢO SÁT ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CÁC YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN TÁI PHÁT
Ở BỆNH NHÂN TÂM THẦN PHÂN LIỆT TÁI PHÁT
NHẬP VIỆN TẠI BỆNH VIỆN TÂM THẦN THÀNH PHỐ CẦN THƠ 2013 - 2014
Nguyễn Văn Oanh
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Tâm thần phân liệt là một rối loạn loạn thần nặng, tiến triển mạn tính và hay tái phát, nên cần được tiếp tục nghiên cứu.
Mục tiêu: - Khảo sát các yếu tố liên quan đến tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt. - Xác định đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát.
Phương pháp: Sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp phỏng vấn hồi cứu.
Kết quả: - Tuổi 34,02 ± 9,89 tuổi. - Nam:nữ khoảng 3:2. - Không khác biệt nơi thường trú. - Học vấn chủ yếu cấp 2 42,1%. - Gần 80% không nghề. - Hơn ½ độc thân (51,6%). - Số lần vào viện khoảng 2 - 15 và trung vị là 4. - Thời gian mắc 5 - 10 năm 49,5%, < 5 năm 30,5%. - Bệnh kèm theo/ lớn tuổi 9,5%. - Lạm dụng chất 36,8%. - Thể bệnh chủ yếu là hoang tưởng 43,2%, thanh xuân 24,2%. - Tái phát/ ngưng thuốc 38,9% - Các hoang tưởng (45,3%), ảo giác (41,1%) đa dạng. - Rối loạn ngôn ngữ (85,3%) và hành vi (89,5%) là nguyên nhân chính tái nhập viện. - Triệu chứng âm tính 7,4%.
Kết luận: - Đã rút ra được một số yếu tố liên quan đến tái phát TTPL trong thời điểm hiện nay. - Các triệu chứng lâm sàng đa dạng.
Từ khóa: Tâm thần phân liệt, tái phát, hoang tưởng, ảo giác.
 
ABSTRACT
INVESTIGATING THE CLINICAL FEATURES, ASSOCIATED FACTORS
 OF RELAPSE IN PATIENTS WITH SCHIZOPHRENIA RELAPSE
 ADMITTED TO CAN THO PSYCHIATRIC HOSPITAL 2013 – 2014
Nguyen Van Oanh
 
Background: Schizophrenia is a severe psychotic disorder, involves a tendency toward chronicity and relapse, so that needs to be continued researched.
Aims: - Investigating the associated factors of relapse in patients with schizophrenia. - Determining the clinical characteristics of patients with schizophrenia relapse.
Method: Using cross-sectional descriptive study, combined with retrospective interview.
Result: - Ages 34,02 ± 9,89. Male:female around 3:2. - No difference from place permanent. - 42,1% secondary education. - Nearly 80% unemployment. - 51,6% single. - Times of hospitalization about 2 - 15 and median of 4. - Disorder duration 5 - 10 years 49,5%, <5 years 30,5%. - Comorbidities/ elderly 9,5%. - 36,8% substance abuse. - Types of schizophrenia: paranoid 43,2%, hebephrenic 24,2%. - Relapse/ drug withdrawal 38,9%. - The symptom of delusions (45,3%) & hallucinations (41,1%) are variety. - Language disorders (85,3%) and behavior disorders(89,5%) was the main reason for rehospitalization. - Symptoms of negative 7,4%.
Conclusions: - Having referred some characteristics of associated factors of relapse in schizophrenia in the contemporary. - The clinical symptoms are variety.
Key word: Schizophrenia, relapse, delusion, hallucination.
 
I. Đặt vấn đề
Tâm thần phân liệt là một rối loạn loạn thần nặng và nghiêm trọng nhất trong các rối loạn tâm thần, tiến triển mạn tính và hay tái phát, làm suy giảm nặng nề các chức năng tâm thần [1], [11]. Trên thế giới, tỉ lệ mắc tâm thần phân liệt chiếm khoảng 0,6 - 1,5%,. Tại Đông Nam Á tỉ lệ này là 0,75%. Tại Việt Nam, tỉ lệ này là 0,52 – 0,61%. [1], [11].
Tái phát là một đặc trưng của tâm thần phân liệt. Đây là một thách thức lớn vì nó mang lại tác động tiêu cực và hậu quả của nó là một gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân, gia đình, lĩnh vực sức khỏe tâm thần và nền kinh tế đất nước. Tỉ lệ tái phát 40% ở những bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc, và có thể lên đến 97% đối với những bệnh nhân không tiếp tục dùng thuốc [6], [7].
Vì vậy, để thúc đẩy sức khỏe tâm thần và ngăn ngừa tái phát trong tâm thần phân liệt. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu “Khảo sát đặc điểm lâm sàng và các yếu tố liên đến tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Cần Thơ năm 2013 - 2014” với mục tiêu:
1. Khảo sát các yếu tố liên quan đến tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt.
2. Xác định đặc điểm lâm sàng của bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát.   
II. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Bệnh nhân TTPL tái phát nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần thành phố Cần Thơ từ 30/8/2013 đến 30/4/2014 được chẩn đoán theo tiêu chuẩn ICD - 10.
Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang, kết hợp với phỏng vấn hồi cứu, phân tích các chỉ tiêu nghiên cứu đáp ứng với mục tiêu nghiên cứu đã được ấn định.
Xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn và sử dụng chương trình SPSS 18.0 để nhập liệu và xử lý thống kê, đánh giá, kiểm định kết quả bằng phương pháp kiểm định χ2, t test.
III. Kết quả nghiên cứu
Các đặc điểm chung ở bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát
Tuổi: tuổi trung bình của các đối tượng nghiên cứu là 34,02 tuổi, độ lệch chuẩn là 9,89 tuổi. Tuổi thấp nhất là 17, tuổi cao nhất là 64.
Giới tính: nam chiếm đa số 61,1%, nữ chiếm  38,9%. Tỉ lệ nam:nữ khoảng 3:2.
Nơi thường trú: đối tượng sống ở thành thị chiếm 55,8%, nông thôn chiếm 44,2%.
Nghề nghiệp: có đến 78,9% bệnh nhân không có nghề nghiệp hoặc mất nghề.
Trình độ học vấn: Trình độ học vấn chủ yếu ở cấp 2 42,1%, sau đó là cấp 1 30,5% và cấp 3 12,6%, tỉ lệ bệnh nhân mù chữ bằng với tỉ lệ trình độ cao đẳng/ đại học 7,4%.
Tình trạng hôn nhân: hơn một nửa số bệnh nhân sống độc thân (51,6%), còn lại là có vợ/ chồng/ chung sống (42,1%), một số ít đã ly hôn/ ly dị (5,3%) hoặc góa (1,1%).
Số lần vào viện: số lần vào viện trong khoảng từ 2 đến 15 lần, có trung vị là 4. Số lần vào viện tỉ lệ nghịch với tần số (số đối tượng tương ứng với số lần).
Thời gian mắc TTPL: tỉ lệ đối tượng mắc TTPL trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm là 49,5%, dưới 5 năm là 30,5%, trên 10 năm là 20,0%.
Bệnh kèm theo: 9,5%, bao gồm tim mạch 5,3%, tiểu đường 3,2%.
Lạm dụng chất: tỉ lệ lạm dụng chất chiếm 36,8%. Chất được lạm dụng nhiều nhất là thuốc lá 34,7% và rượu 7,4%. Một số bệnh nhân lạm dụng nhiều chất cùng lúc.
Thể bệnh: trong các thể lâm sàng, thể hoang tưởng hay gặp nhất 43,2%, kế đến là thể thanh xuân 24,2%, không biệt định 17,9%, căng trương lực 12,6%, các thể khác 2,1%.
Ngưng thuốc: 38,9%, nguyên nhân hàng đầu là phủ định bệnh 20,0%, nguyên nhân do tác dụng phụ của thuốc 14,7%.
Đặc điểm lâm sàng bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát
Trong các triệu chứng dương tính, thường gặp là rối loạn hành vi 89,5% và ngôn ngữ 85,3%, hoang tưởng chiếm 45,3%, ảo giác chiếm 41,1%. Đa số bệnh nhân đều có nhiều triệu chứng dương tính cùng lúc. Tổng số bệnh nhân có hoang chiếm 45,3%, trong đó hoang tưởng bị hại hay gặp nhất 32,6%, kế đến là hoang tưởng tự cao 10,5%. Ảo giác chiếm 41,1%, thường gặp ảo thanh mệnh lệnh (10,5%) và ảo thanh bình phẩm (10,5%), ảo thanh là tiếng người trò chuyện ít gặp hơn (8,4%).
Các triệu chứng âm tính chiếm tỉ lệ thấp 7,4%: cảm xúc cùn mòn 6,3%, tư duy nghèo nàn 4,2%, mất ý chí 3,2%.
IV. Bàn luận
Các đặc điểm chung liên quan đến tâm thần phân liệt tái phát
Tuổi: tuổi trung bình của mẫu nghiên cứu là 34,02 ± 9,89. Tuổi thấp nhất là 17, tuổi cao nhất là 64. Theo nghiên cứu của Kazadi N J B và cộng sự, tuổi trung bình là 42,5 và tuổi cao nhất là 75 [7]. Kết quả nghiên cứu có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001), do sự khác biệt về tiêu chuẩn chọn mẫu, thời gian và địa điểm nghiên cứu.
Giới tính: tỉ lệ giới tính trong nghiên cứu của chúng tôi là nam 61,1% và nữ 38,9%. Kết quả này theo Kazadi (2008) là nam 69,4% và nữ 30,6% [7]. Theo Almond (2004) là nam 67,2% và nữ 32,8% [4]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi không khác biệt so với các kết quả trên (p = 0,202). Tỉ lệ nam:nữ khoảng 3:2, sự chênh lệch do quan niệm trọng nam khinh nữ.
Nơi thường trú: theo nghiên cứu thì tỉ lệ TTPL ở những người ở thành thị cao gấp đôi ở nông thôn [1]. Trong mẫu nghiên cứu, tỉ lệ đối tượng ở thành thị (55,8%) không chênh lệch nhiều so với nông thôn (44,2%). DO khác biệt về sự phân bố dân cư và cách phân loại biến.
Nghề nghiệp: trong nghiên cứu, có đến 78,9% bệnh nhân không nghề. Kết quả nghiên cứu phù hợp với khảo sát của Lê Quốc Nam trong đó chỉ gần 5% lao động tốt, 20% năng suất giảm [2]. Tuy vậy tỉ lệ này vẫn còn thấp hơn so với nghiên cứu của Almond S tại Anh với 97,4% bệnh nhân không có việc làm (p < 0,001) [4]. Sự khác biệt do nghiên cứu ở hai khu vực khác nhau, một phần do khác biệt trong cách định nghĩa biến số.
Học vấn: chủ yếu ở cấp 2 42,1%, phù hợp với kết quả của Kazadi (2008) [7].
Tình trạng hôn nhân: hơn một nửa số bệnh nhân sống độc thân (51,6%). Theo Almond S độc thân 74,0% [4], theo Munro J 86% [9]. Sự khác biệt trong quan niệm hôn nhân gia đình.
Số lần vào viện: số lần vào viện trong khoảng từ 2 đến 15 lần và có trung vị là 4. Số lần vào viện tỉ lệ nghịch với tần số. Điều này có thể được giải thích do càng tái phát về sau thì các triệu chứng dương tính giảm dần và các triệu chứng âm tính tăng dần vì vậy ít ảnh hưởng đến bản thân và xung quanh.
Thời gian mắc TTPL: tỉ lệ đối tượng mắc TTPL trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm là 49,5%, dưới 5 năm là 30,5%. Đây không phải là thời gian mắc TTPL trong suốt cuộc đời bệnh nhân mà chỉ tính từ lúc khởi phát đến thời điểm lấy mẫu.
Bệnh kèm theo: 9,5%. Tại Nam Phi, nghiên cứu của Kazadi N J B (2008) cho kết quả 32,1%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p < 0,001) [7] do Nam Phi bệnh dịch chưa được kiểm soát, khác biệt tiêu chuẩn chọn mẫu. Các bệnh kèm theo hay gặp ở bệnh nhân lớn tuổi.
Lạm dụng chất: 36,8%. Nghiên cứu của Kazadi N J B cho thấy 47,4% bệnh nhân có lạm dụng chất [7]. Hai kết quả khác biệt có ý nghĩa thống kê (p = 0,039). Sự khác biệt có thể giải thích do tình hình sử dụng chất ở hai địa điểm nghiên cứu khác nhau, cách nhìn nhận của bệnh nhân. Một số lạm dụng nhiều chất cùng lúc, nhất là thuốc lá và rượu.
Thể bệnh: thể hoang tưởng chiếm tỉ lệ cao nhất 43,2%. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Suzuki Y với 32,8% [12]. Thể thanh xuân trong nghiên cứu của chúng tôi chiếm 24,2%. Nghiên cứu của các tác giả Suzuki Y và cộng sự cho thấy thể thanh xuân gặp ở bệnh nhân TTPL tái phát là 9,00% [12], thấp hơn nhiều số liệu nghiên cứu của chúng tôi (p < 0,001), có thể là do mẫu nghiên cứu của chúng tôi chưa hợp lý và tiêu chuẩn phân loại chưa thật chuẩn xác [12].
Ngưng thuốc: tỉ lệ tái phát TTPL do ngưng thuốc chiếm 38,9%, tỉ lệ này khác biệt có ý nghĩa thống kê so với công bố của các nghiên cứu: thấp hơn so với công bố của các tác giả Kazadi N J B là 49,31% (p = 0,043) [7], của Schennach là 52% (p = 0,011) [10], cao hơn so với công bố của Li và Arthur là 20,22% (p < 0,001) [8]. Sự khác biệt do các nghiên cứu thực hiện ở các nước có nền y tế khác nhau, có nhận thức khác nhau về TTPL, các thuốc điều trị cũng khác nhau.
Đặc điểm lâm sàng bệnh nhân tâm thần phân liệt tái phát
Các hoang tưởng rất đa dạng và có một số bệnh nhân xuất hiện đồng thời 2 - 3 loại hoang tưởng. Hoang tưởng chiếm tỉ lệ 45,3%, trong đó hoang tưởng bị hại hay gặp nhất 32,6%, kế đến là hoang tưởng tự cao 10,5%. Theo Nguyễn Văn Thọ (2009), tỉ lệ hoang tưởng 54,16%, trong đó hoang tưởng bị hại 10,97%, hoang tưởng tự cao 18,90% [3]. Tỉ lệ hoang tưởng trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn không có ý nghĩa so với nghiên cứu trên (p = 0,082). Tuy nhiên tỉ lệ hoang tưởng bị hại cao hơn (p < 0,001), tỉ lệ hoang tưởng tự cao thấp hơn (p = 0,037), hai sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê. Sự khác biệt do trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ bao gồm cả TTPL mới mắc [3].
Ảo giác chiếm 41,1% trong mẫu nghiên cứu và thường gặp nhất là ảo thanh, kết quả này tương tự nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ với 33,1% ảo giác (p = 0,100) [3].
Rối loạn ngôn ngữ chiếm tỉ lệ khá cao trong nghiên cứu 85,3%. Tỉ lệ này trong nghiên cứu trên bệnh nhân TTPL của Nguyễn Văn Thọ là 33,11%. Kết quả của chúng tôi cao hơn nhiều so với nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ (p < 0,001) [3]. Sự khác biệt do trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ bao gồm cả TTPL mới mắc.
Rối loạn hành vi trong nghiên cứu đến 89,5%. Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Thọ tỉ lệ này là 75,12%. Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả cao hơn có ý nghĩa thống kê (p = 0,001) [3]. Sự khác biệt có thể giải thích như sự khác biệt trong rối loạn ngôn ngữ.
Các triệu chứng âm tính trong nghiên cứu chiếm tỉ lệ thấp. Theo Becker (2012), cảm xúc cùn mòn 1,5%, tư duy nghèo nàn chiếm 1,2%, mất ý chí chiếm 4,0% [5]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự của Becker và cộng sự (p < 0,05) [5]. Trong TTPL càng tái phát về sau thì càng nặng dần và các triệu chứng âm tính càng xuất hiện rõ nhưng chỉ một số ít nhập viện vì hầu hết các triệu chứng âm tính không gây nguy hiểm cho bản thân hay người xung quanh [1], [2].
V. Kết luận
Các yếu tố liên quan đến tâm thần phân liệt tái phát
Tuổi từ 17 đến 64, trung bình 34,02 ± 9,89 tuổi. Nam:nữ khoảng 3:2. Không khác biệt về nơi thường trú. Học vấn chủ yếu tập trung ở cấp 2 (42,1%). Gần 4/5 bệnh nhân không nghề. Hơn một nửa sống độc thân. Số lần vào viện trong khoảng từ 2 đến 15 lần và có trung vị là 4. Thời gian mắc trong 5 đến 10 năm 49,5%, dưới 5 năm 30,5%. Ở bệnh nhân lớn tuổi có thể gặp bệnh kèm theo: tim mạch (5,3%), tiểu đường (3,2%). Tỉ lệ lạm dụng chất 36,8%, trong đó nhiều nhất là thuốc lá 34,7%, rượu 7,4%. Thể hoang tưởng chiếm tỉ lệ cao nhất 43,2%, thể thanh xuân 24,2%. Tỉ lệ ngưng thuốc 38,9%, trong đó phủ định bệnh 20,0%, do tác dụng phụ 14,7%.
Đặc điểm lâm sàng tâm thần phân liệt tái phát
Các hoang tưởng rất đa dạng. Hoang tưởng 45,3%, trong đó hoang tưởng bị hại hay gặp nhất 32,6%, kế đến là hoang tưởng tự cao 10,5%. Ảo giác chiếm 41,1%, thường gặp nhất là ảo thanh: ảo thanh mệnh lệnh 10,5% là một cấp cứu tâm thần, ảo thanh bình phẩm 10,5%, ảo thanh là tiếng người trò chuyện 8,4%. Rối loạn ngôn ngữ (85,3%) và hành vi (89,5%) là nguyên nhân chính khiến người nhà đưa bệnh nhân tái nhập viện. Các triệu chứng âm tính chiếm tỉ lệ thấp 7,4%: cảm xúc cùn mòn 6,3%, tư duy nghèo nàn 4,2%, mất ý chí 3,2%.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Quang Huy (2011), Tâm thần phân liệt, NXB Y học, Hà Nội, 9 - 85.
2. Lê Quốc Nam (2004), “Khảo sát tình trạng tâm thần phân liệt kháng trị trên các bệnh nhân đang được quản lý điều trị trong chương trình săn sóc sức khỏe ban đầu về tâm thần tại các trạm y tế Thành phố Hồ Chí Minh”, Bệnh viện Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Văn Thọ (2009), “Đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị ở 1021 bệnh nhân tâm thần phân liệt”, Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 14(1), 51-56.
4. Almond S, Knapp M, Francois C (2004), “Relapse in schizophrenia: costs, clinical outcomes and quality of life”, British Journal of Psychiatry, 184(4), 346-351.
5. Becker T M, Cicero D C, Cowan N, Kerns J G (2012), “Cognitive control components and speech symptoms in people with schizophrenia”, Psychiatry Research, 196(1), 20-26.
6. Chen E Y, et al (2010), “Maintenance treatment with quetiapine versus discontinuation after one year of treatment in patients with remitted first episode psychosis”, British Medical Journal, 341, 4024-4034.
7. Kazadi N J B, Moosa M Y H, Jeenah F Y (2008), “Factors associated with relapse in Schizophrenia”, South African Journal of Psychiatry, 14(2), 52-62.
8. Li Z, Arthur D (2005), “Family education for people with schizophrenia in Beijing, China”. The British Journal of Psychiatry, 187, 339-345.
9. Munro J, et al (2011), “Hospital treatment and management in relapse of schizophrenia in the UK: associated costs”, The Psychiatrist, 35(3), 95-100.
10. Schennach R, et al (2012), “Predictors of relapse in the year after hospital discharge among patients with schizophrenia”, Psychiatric Services, 63(1), 87-90.
11. Stefan M, Travis M, Murray R M (2002), An Atlas of Schizophrenia, the Parthenon Publishing Group, United Kingdom.
12. Suzuki Y, et al (2003), “Associated factors of rehospitalization among schizophrenic patients”, Psychiatry and Clinical Neurosciences, 57, 555-561.
 
Đề tài tốt nghiệp bác sĩ đa khoa

Bài viết liên quan