Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em (ADHD)

Ngày đăng: 02/11/2017

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một nhóm các triệu chứng ở trẻ em như giảm sự chú ý, tăng hoạt động và có những hành động có tính chất xung động…

I. Cách nhận biết khi trẻ mắc ADHD

     1. Những vấn đề về tập trung chú ý

Trẻ bị bệnh này thường rất dễ mất tập trung hay không thể tập trung, rất khó khăn khi để ý vào một việc gì đó. Trẻ thường hay bỏ qua những chi tiết, hay quên, thường thay đổi từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách thường xuyên, trở nên chán nản với một nhiệm vụ nào đó chỉ sau một vài phút, trừ khi làm một việc gì mà trẻ thích thú.

Trẻ có khó khăn khi tập trung vào việc tổ chức và hoàn thành một nhiệm vụ hoặc học một điều gì mới, hay gặp những vấn đề trong việc hoàn thành bài tập về nhà, thường xuyên mất đồ dùng cần thiết để hoàn thành bài tập như bút chì, đồ chơi… và dường như không lắng nghe khi người khác đang nói chuyện với trẻ.

Ở những trẻ này, có biểu hiện như là đang ngủ mơ giữa ban ngày, rất dễ lẫn lộn và đi lại chậm chạp, xử lý thông tin rất lâu và không được chính xác như trẻ khác, hay làm ngược lại so với những hướng dẫn…

Để được chẩn đoán chính xác, một người mắc chứng ADHD phải có sáu triệu chứng (ở trẻ em từ 16 tuổi trở xuống) trong hơn một bối cảnh và ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng có thể không thích hợp với mức độ phát triển của một người và được xem là gián đoạn chức năng bình thường trong công việc hay trong bối cảnh xã hội hoặc trường học. Các triệu chứng của ADHD (có biểu hiện thiếu chú ý) bao gồm:

- Phạm các lỗi sơ sót, không chú ý chi tiết

- Khó khăn trong việc tập trung (nhiệm vụ, trò chơi)

- Dường như không chú ý khi người khác nói chuyện với họ

- Không thực hiện đến hết (bài tập về nhà, các việc nhà, trong nghề nghiệp); dễ xao lãng

- Khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp

- Tránh né các nhiệm vụ đòi hỏi duy trì sự tập trung (như làm bài tập trong lớp)

- Không thể theo dõi hoặc thường đánh mất chìa khóa, giấy tờ, dụng cụ, v.v...

- Dễ bị lạc hướng

- Hay quên

     2. Những biểu hiện về tăng động hoặc hành vi có tính chất xung động

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể nói to, cười to, hoặc dễ dàng trở lên cáu kỉnh trong những tình huống không cần thiết. Những trẻ này thường không thể chờ đợi đến lượt mình hoặc không thể chia sẻ với ai. Điều này làm cho trẻ khó chơi với những trẻ khác. Ở tuổi thanh thiếu niên nếu bị tăng động giảm chú ý có thể đưa ra những quyết định có những ảnh hưởng không tốt với cuộc sống sau này. Và những bệnh nhân này có thể tiêu rất nhiều tiền, thay đổi công việc liên tục.

Một đặc điểm nhận biết nữa là trẻ không kiên nhẫn; Có những lời bình luận hoặc nói không phù hợp, thể hiện cảm xúc không kiềm chế và hành động mà không nghĩ đến hậu quả; Không kiên trì trong việc chờ đợi những điều mà mình mong muốn hoặc chờ đợt đến lượt mình trong các trò chơi; Thường xuyên gián đoạn cuộc nói chuyện …

Một số triệu chứng có thể ở mức độ “gây rối” trong chẩn đoán. Kiểm tra nếu bạn có ít nhất năm triệu chứng (ở người lớn) hoặc sáu triệu chứng (ở trẻ em từ 16 tuổi trở xuống) trong hơn một bối cảnh và ít nhất 6 tháng: [2]

- Bồn chồn, cựa quậy, tay hoặc chân gõ nhịp

- Cảm giác không yên

- Vất vả khi chơi những trò chơi tĩnh/ hoạt động tĩnh

- “Hiếu động” như thể “có mô-tơ điều khiển”

- Nói quá nhiều

- Buột miệng nói thậm chí trước cả khi được hỏi

- Vất vả khi phải chờ đến lượt

- Ngắt lời người khác, xen vào những cuộc bàn luận hoặc trò chơi của người khác

II. Nguyên nhân của chứng tăng động giảm chú ý

     1. Yếu tố di truyền

Dường như yếu tố di truyền có tham gia vào sự phát triển ADHD. Một nghiên cứu sớm trong lĩnh vực này (Goodman & Stevenson 1989) xác định được rằng tỉ lệ cùng bị ADHD ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 51% còn ở trẻ sinh đôi khác trứng là 31%. Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ cùng mắc ADHD ở sinh đôi cùng trứng dao động trong khoảng từ 58%- 83% còn ở sinh đôi khác trứng là khoảng 31%- 47%, với hệ số di truyền những vấn đề chú ý ước tính vào khoảng 60- 70%.

     2. Cơ chế sinh học

Dopamin là chất DTTK được xem là có tham gia vào ADHD. Các cứ liệu ủng hộ cho nhận định này chủ yếu xuất phát từ những nghiên cứu phát hiện thấy nồng độ dopamine tăng thì các triệu chứng của ADHD giảm. Ngoài ra cũng còn một loạt các hợp chất khác cũng được xem là có vai trò trong ADHD như các dạng khác nhau của amphetamines và các chủ vận không trực tiếp dopamine. Ngoài ra thì sử dụng các loại thực phẩm có chất thơm, các salicylate, các chất mầu, đều có liên quan đến ADHD.

     3. Yếu tố gia đình và xã hội

Bằng chứng về vai trò của động thái gia đình như là yếu tố gây ra ADHD cũng rất khác nhau. Ví dụ như A.J.Smith và cs. (2002) cho thấy có mối liên quan mật thiết giữa mối quan hệ xung khắc mẹ- con và ADHD. Ngược lại, Rey và cs. (2000) chỉ ra rằng môi trường gia đình không tốt liên quan đến rối loạn hành vi đạo đức và chống đối chứ không liên quan ADHD. Cũng cần phải nói thêm rằng mặc dù quan hệ gia đình có trẻ bị ADHD có thể rất căng thẳng song cũng có những cứ liệu cho thấy khi bắt đầu trị liệu thì mối quan hệ cha mẹ- con cái cũng được cải thiện. Điều này cho thấy nhận định rằng môi trường gia đình xung đột trong một chừng mực nào đó là sự đáp lại chứ không phải là nguyên nhân gây ra những hành vi của trẻ.

III. Điều trị

Điều trị là sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi. Nhưng trước tiên cần phải cho trẻ đi khám, chẩn đoán chính xác là trẻ mắc bệnh tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa nhi sau đó sẽ được bác sỹ kê đơn các loại thuốc điều trị tăng động giảm chú ý. Các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu về bệnh lý này sẽ giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn. Điều trị trẻ bị ADHD cần rất nhiều thời gian và tính kiên nhẫn.

Một số thuốc được dùng cho trẻ tăng động chủ yếu là chất kích thích tâm thần như amphetamine, methylphenidate hoặc những thuốc không phải là chất kích thích tâm thần như clonidine, atomoxetine…

Điều các bậc cha mẹ cần quan tâm đó là các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà. Đó là, thường xuyên trao đổi giữa cha mẹ, thầy cô giáo và bác sỹ sẽ rất tốt cho trẻ tăng động giảm chú ý. Bạn cần có sự gắn bó gần gũi với trẻ. Ở những năm của tuổi thiếu niên là thời điểm có nhiều thử thách lớn ví dụ như tăng số lượng bài học ở trường lớp, cần phải có sự tập trung hơn, có tổ chức trong công việc hơn và việc đưa ra những quyết định đúng trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ có những vấn đề liên quan đến bạn bè, giới tính.

Nguồn: Tổng hợp

Thanh Toàn