RỐI LOẠN PHÂN LY

Ngày đăng: 21/12/2017

Rối Loạn Phân Ly (RLPL) - là một trạng thái của tâm thức, biểu hiện là sự kích động thái quá, không thể điều khiển được các cảm xúc. Những người bị RLPL thường mất tự chủ do một nỗi sợ hãi gây ra bởi nhiều sự kiện trong quá khứ có liên quan đến một số mâu thuẫn nghiêm trọng, bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương tâm lý ở những người nhân cách yếu.

   Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), RLPL là hiện tượng mất một phần hay hoàn toàn sự hợp nhất bình thường giữa trí nhớ quá khứ, ý thức và đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát những vận động của cơ thể. Tỷ lệ gặp ở 0,3-0,5% dân số, thường gặp ở nữ giới. Biểu hiện bệnh rất đa dạng: Những dấu hiệu dạng cơ thể như mệt mỏi hụt hơi, khó thở, đau nhức... nhưng không có bằng chứng xác đáng về bệnh cơ thể; Những biểu hiện về tâm thần kinh như khóc cười, sợ hãi vô cớ, la hét, mất hoặc tăng cảm giác..., ý thức chỉ bị ảnh hưởng. Đặc điểm quan trọng là bệnh nhân rất dễ tự ám thị và bị ám thị ly kỳ hóa hiện tượng, kịch tính hóa, thích được mọi người chú ý. Nói chung, các chuyên gia y tế hiện đại đã không còn coi hysteria như là một triệu chứng để chẩn đoán, mà xem như là một chứng bệnh được xác định chính xác.

Nguồn gốc thuật ngữ!

   Trước đây hysteria được gọi với cái tên khác là Hysteria,. Trong các ghi chép của mình, Hippocrates có đề cập đến một loạt các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như tính nghẹt thở và bệnh Heracles là hội chứng chuyển động tử cung của người phụ nữ đến các địa điểm khác nhau trong cơ thể của mình, tử cung có màu sáng và khô do thiếu các chất dịch của cơ thể. Trong sách đó có một đoạn văn mà ông đề nghị nên mang thai để chữa các triệu chứng như vậy, vì giao hợp sẽ "làm ẩm" tử cung và tạo điều kiện lưu thông máu trong cơ thể.

   Trong thế giới phương Tây, cho đến thế kỷ 18, Hysteria trong y khoa được xem là bệnh của phụ nữ, gây ra bởi những rối loạn của tử cung (từ ὑστέρα tiếng Hy Lạp "hystera" = tử cung). Đến giữa thế kỷ 19, hysteria được xem như là những rối loạn chức năng tình dục. Phương pháp điều trị điển hình là xoa bóp bộ phận sinh dục của bệnh nhân, hay dùng máy rung hoặc phun nước để gây cực khoái.

   Sau này, Jean-Martin Charcot - một nhà thần kinh học Pháp đã nhìn nhận Hysteria như là một chứng rối loạn tâm lý. Năm 1893 Sigmund Freud dựa trên những khám phá của Charcot đã định nghĩa hysteria là 1 dạng "phân ly của ý thức". Charcot đã xây dựng lý thuyết về cơ chế hysteria thông qua nghiên cứu về "bệnh thần kinh" đối với các bệnh nhân ngoại trú vào năm 1887 và 1888. Sau đó, ông tiếp tục các nghiên cứu đầy đủ của mình về Hysteria tại Salpetriere ở Pháp, nơi đây ông đã tuyên bố nguyên nhân của chứng hysteria là do "yếu tố di truyền". Charcot đã sử dụng phương pháp thôi miên để điều trị.

   Trong những năm đầu 1890, Freud xuất bản một loạt các bài viết về hysteria để phổ biến những phát kiến trước đó của Charcot và bắt đầu những quan điểm phát triển của mình về hysteria. Đến năm 1920 Lý thuyết của Freud đã có ảnh hưởng ở Anh và Mỹ.

Càng về sau với sự hiểu biết ngày một đầy đủ hơn về khoa học từ “Hysteria” được thay thế bằng từ “Các Rối loạn phân ly”.

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh.

Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy tổn thương nào ở não bộ là nguyên nhân gây ra bệnh này. Theo các tác giả thì đây là các rối loạn này mang tính chức năng.

Nguyên nhân chủ yếu của các Rối loạn phân ly là các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Theo đa số các tác giả thì các Rối loạn phân ly xảy ra là do sự kết hợp chặt chẽ về mặt thời gian với các sự kiện gây sang chấn, những vấn đề không giải quyết và căng thẳng về thần kinh với các yếu tố “Tâm sinh” của người bệnh. Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương. Đôi khi khó tìm thấy dấu vết của các chấn thương tâm lý, nhất là các trường hợp tái phát nhiều lần.

Trong Rối loạn phân ly cơ chế ám thị và tự ám thị đóng một vai trò quan trọng. Trong một môi trường làm việc, học tập căng thẳng hoặc các mâu thuẫn không thể giải quyết…Các Rối loạn phân ly xuất hiện như một cơ chế tự phòng vệ nhằm để bảo vệ thần kinh khỏi những sang chấn tâm lý trong một nỗ lực nhằm giảm bớt đi cảm nhận khó chịu về lo âu và bất lực. Vì vậy, những triệu chứng của Rối loạn phân ly thường rất đột ngột, liên quan đến những sang chấn về tâm lý.

Về vai trò của não bộ trong rối loạn phân ly nhiều nghiên cứu cho thấy: có sự giảm sút khả năng kiểm soát có ý thức và có chọn lọc ở một mức độ của vỏ não có thể thay đổi từ ngày này sang ngày khác hoặc từ giờ này sang giờ khác. Người ta nhận thấy khi hoạt động của vỏ não suy yếu sẽ không kiểm soát được dưới vỏ, như vậy sẽ không kiềm chế được cảm xúc và những chức năng khác của vùng dưới vỏ. Trước kích thích mạnh của sang chấn, khi vỏ não ở trạng thái ức chế sẽ không điều hòa được vùng dưới vỏ nên hoạt động của vùng này tăng và xuất hiện các triệu chứng đa dạng của rối loạn phân ly.

Điều kiện thuận lợi

Các yếu tố thuận lợi thúc đẩy các rối loạn phân ly trước hết là nhân cách yếu, thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Thường gặp ở loại hình thần kinh nghệ sĩ.

Để nhận biết nhân cách Hysteria, một loại nhân cách có “phương thức đáp ứng cảm xúc thái quá” theo DSM-III R gồm 4 trong 8 thuộc tính sau:

  1. Tìm kiếm hoặc đòi hỏi dai dẳng tán đồng khen của người khác.
  2. Điệu bộ, hành vi quyến rũ không thích hợp (ăn mặc phô diễn, lòe loẹt).
  3. Bận tâm thái quá tổn thương của cơ thể.
  4. Biểu lộ thái quá về cảm xúc, nức nở về những chuyện nhỏ.
  5. Khó chịu khi không được xem là trung tâm chú ý của mọi người.
  6. Hời hợt, dễ thay đổi.
  7. Hành vi nhằm đạt được sự thỏa mãn ngay lập tức.
  8. Văn phong cực kì hào nhoáng gây ấn tượng nhưng nội dung nghèo nàn.

Bệnh Hysteria khác hoàn toàn với nhân cách Hysteria. Những người có cơn Hysteria chưa chắc có nhân cách Hysteria, đặc biệt ở những trường hợp ngất tập thể. Tuy nhiên, những người có nhân cách Hysteria thường tiềm ẩn một mâu thuẫn sâu xa và dễ bộc phát thành những cơn Hysteria.

Các triệu chứng của rối loạn phân ly

  Thường xuất hiện các cơn co giật, co cứng sau một chấn thương tâm lý. Bệnh nhân giãy dụa la hét, đập giường... nhưng ý thức vẫn tỉnh táo và vẫn nhận biết được xung quanh, thích được mọi người chú ý. Cơn rối loạn cảm xúc: kêu khóc, cảm xúc hỗn độn, nói không chuẩn (không ăn nhập với chủ đề xung quanh), gào thét không rõ lý do, ý thức không bị rối loạn, hiếm gặp ý thức thu hẹp nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có ảo giác (thường là ảo thị - bệnh nhân nhìn thấy những hiện tượng không có từ bên ngoài...). Bệnh nhân rất dễ bị ám thị và tự ám thị (nhận thức không đúng về sự vật hiện tượng xảy ra). Có thể gặp rối loạn vận động như run, co giật, liệt chức năng. Rối loạn cảm giác, mất hoặc tăng cảm (kích thích nhỏ, bệnh nhân cảm nhận lớn hơn bình thường). Cảm giác đau và sơ đồ cảm giác da của cơ thể; Cảm giác nội tạng cũng bị rối loạn như đau bụng, đau ngực, đau vùng tim.

   Các triệu chứng của rối loạn phân ly là rất phong phú và đa dạng. Các triệu chứng bệnh có tính “bắt chước” nhiều triệu chứng của các bệnh khác. 

   1. Rối loạn vận động: Rất đa dạng như lắc đầu, gật đầu, nháy mắt, múa giật, múa vờn... Hay gặp nhất lại là run toàn thân hoặc run cục bộ một phần cơ thể, run tăng lên khi chú ý. Triệu chứng liệt phân ly cũng hay gặp ở các mức độ khác nhau, gặp cả liệt cứng và liệt mềm, một chi, hai chi hoặc cả tứ chi, nhưng trương lực cơ không thay đổi. Có thể gặp chứng rối loạn phát âm như khó nói, nói lắp, không nói. Các triệu chứng trên không phù hợp với phân vùng thần kinh chi phối hoặc cơ quan phát âm không bị tổn thương.

   2. Rối loạn cảm giác: Rối loạn cảm giác thường gặp trong phân ly là cảm giác đau. Các khu vực mất cảm giác không đúng với vùng định khu của thần kinh cảm giác. Tăng cảm giác đau trong phân ly phức tạp hơn nhiều, dễ làm cho người ta nhầm với các triệu chứng đau “thực vật” và đau ngoại khoa như đau viêm ruột thừa, đau giun chui ống mật, đau vùng trước tim, đau dây thần kinh hông...

   3. Rối loạn các giác quan: mù, điếc phân ly, mất vị giác và khứu giác phân ly, các rối loạn thực vật - nội tạng phân ly…

   4. Rối loạn tâm thần: quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn tư duy...

   5. Sững sờ phân ly: Vận động tự chủ giảm hoặc mất, người bệnh nằm hoặc ngồi bất động trong thời gian dài. Không nói và không hoạt động, không có các đáp ứng với một số kích thích như tiếng động, ánh sáng. Bệnh nhân không mất ý thức, hai mắt mở hoặc nhắm nghiền, không có các rối loạn cơ thể hoặc tâm thần khác liên quan đến trạng thái sững sờ. Cần phân biệt với sững sờ căng trương lực, sững sờ trầm cảm.

   6. Các rối loạn lên đồng và bị xâm nhập: Bệnh nhân mất ý thức tạm thời. Hành động của cá nhân như một nhân cách khác, một linh hồn khác, một vị thần hoặc một lực lượng nào đó điều khiển. Xuất hiện một số động tác, tư thế, lời nói hạn chế và lặp lại. Các rối loạn đó xuất hiện không tự ý, không mong muốn và xuất hiện, cần phân biệt với hội chứng tâm thần tự động hoặc hoang tưởng bị chi phối thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt.

Hội chứng phân ly tập thể là gì?

Trong thời gian gần đây đã xuất hiện hiện tượng ở một số trường học, nhà máy học sinh, công nhân, đặc biệt là giới nữ bị ngất hàng loạt. Hiện tượng này đã gây khá nhiều mối quan ngại của cộng đồng xã hội và nó được giải thích theo nhiều xu hướng khác nhau trong đó có cả xu hướng mang mầu sắc mê tín.

Công nhân bị ngất xỉu hàng loạt

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chứng minh được rằng: chứng “cuồng loạn, co giật hoặc ngất hàng loạt” đã xuất hiện từ trước Công nguyên. Trong các thế kỷ tiếp đó, tiếp tục có những báo cáo về căn bệnh “cuồng loạn hoặc ngất hàng loạt” này trên các tập thể công nhân, đặc biệt những nước công nghiệp phát triển có cường độ lao động căng thẳng như: Đức, Pháp, Italia…Tại Việt Nam, trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, chúng ta đã từng ghi nhận ở một số đơn vị, đặc biệt là những đơn vị nữ thanh niên xung phong có những hiện tượng ngất tập thể mà cũng không tìm được căn nguyên nào.

Bằng sự hiểu biết đầy đủ có căn cứ về mặt khoa học các nhà tâm thần học khẳng định: đây chính là Rối loạn phân ly hay Hysteria và khi nó xảy ra trên tập thể đông người thì được gọi là “Rối loạn phân li tập thể”

Về cơ chế gây bệnh cũng như trong RLPL, cộng thêm trong cùng một môi trường sang chấn (như áp lực công việc cao, áp lực học hành…) và khi có một người trong tập thể bị phân ly thì nhiều người khác có thể cũng có thể lên cơn xem như một cơ chế tự giải thoát khỏi áp lực, làm xuất hiện hiện tượng bệnh mang tính tập thể.

Ngoài các yếu tố thuận lợi có thể gây ra rối loạn phân ly, thì trong hội chứng phân ly tập thể có thể kết hợp thêm một số yếu tố như:

  1. Một vài bệnh lí tâm thần: theo kết luận nghiên cứu của Engs. RTrường đại học Indiana (Mỹ) thì trầm cảm…là một nguyên nhân dẫn đến việc ngất xỉu hàng loạt của các nữ công nhân.
  2. Suy dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng không được đảm bảo. Một khảo sát khác tại Việt Nam về chế độ dinh dưỡng của học sinh một trường học có hiện tượng học sinh ngất xỉu hàng loạt thấy rằng có đến 50% trong tổng số học sinh bị ngất xỉu vừa qua không được đáp ứng đủ Kcal trong bữa ăn sáng.
  3. Người ta cũng nhận thấy rằng khi áp lực công việc, học hành rất lớn là điều kiện thuận lợi để hiện tượng ngất xỉu dễ xuất hiện và lây lan phát triển thành “dịch”.

Về lâm sàng trong “Rối loạn phân ly tập thể”, có thể gặp tất cả các triệu chứng của Rối loạn phân ly kể trên; nhưng thường gặp hơn là những cơn ngất hoặc co giật tập thể, mang tính “lây lan”. Các tác giả giải thích đó là: Rối loạn phân ly như một hiện tượng "vỡ đê". Một người ngất xỉu như đã khai thông một lối ra, một phản ứng lại sức ép từ một sự căng thẳng quá mức, nên gây ra hiện tượng ngất xỉu tập thể.

Tiến triển và tiên lượng bệnh

Sự khởi đầu và kết thúc của các trạng thái phân li thường đột ngột. Sự thay đổi hoặc biến mất trong quá trình làm liệu pháp tâm lí như thôi mien, ám thị hoặc hồi cảm. Tất cả trạng thái phân li có khuynh hướng thuyên giảm trong vài tuần hoặc vài tháng đặc biệt nếu chúng khởi đầu của chúng kết hợp với sự kiện đời sống gây sang chấn. Một số các trạng thái khác thuyên giảm chậm hơn như liệt và tê nếu chúng kết hợp với những vấn đề không giải quyết được hoặc những mối quan hệ phức tạp giữa người và người.

Nói chung, bệnh này không nặng nhưng gây cho bản thân người bệnh và cả những người xung quanh rất nhiều phiền toái. Nhiều mối quan hệ bị rối loạn. Người có nhân cách Hysteria làm việc thường kém hiệu quả do họ không thể tập trung vào công việc

Điều trị rối loạn phân ly

- Rối loạn phân ly có biểu hiện lâm sàng rất phong phú và bắt chước bất cứ triệu chứng một bệnh lí nào đó của các chuyên khoa khác nhau. Bệnh lại thường khởi phát cấp diễn nên dễ nhầm với các tình huống cấp cứu nội, ngoại, thần kinh…Vì vậy, cần phải được chẩn đoán rất cẩn thận, chính xác.

- Rối loạn phân ly không phải là bệnh giả vờ. Vì vậy, không chỉ bác sĩ, mà những người xung quanh phải đối xử với bệnh nhân bằng thái độ thông cảm. Không coi thường chế giễu người bệnh. Tránh thái độ quan trọng hoá vấn đề cũng như quá chiều chuộng, quá lo lắng, theo dõi quá chặt chẽ, càng lo lắng bệnh càng nặng lên.

- Vì nguyên nhân bệnh là tâm lý nên nên điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, mất nhiều thời gian nên cần sự kiên trì của bệnh nhân, gia đình, cũng như của nhà trị liệu.

- Trong điều trị tâm lí cần lưu ý:

üCần cách ly ngay người bệnh khỏi nguồn sinh ra áp lực, mâu thuẫn, hay sang chấn tâm lý.

üÁp dụng các liệu pháp tâm lí phải tùy thuộc vào từng bệnh nhân và điều kiện hoàn cảnh tác nhân gây sang chấn,

üCân bằng lại quá trình hưng phấn và ức chế của vỏ não bằng các liệu pháp ám thị thôi miên kết hợp với nghỉ ngơi hợp lí…sẽ có tác dụng tốt.

üĐiều trị triệu chứng: có thể kết hợp xoa bóp bấm huyệt với các liệu pháp tâm lí làm tăng hiệu quả điều trị.

üCần áp dụng thêm các liệu pháp tâm lí khác nhằm nâng đỡ nhân cách cho người bệnh như liệu pháp thư giãn luyện tập…

- Có thể điều trị kết hợp bằng những thuốc giải lo âu, làm dịu đi những tổn thương về mặt tâm thần; các thuốc vitamin, thuốc bổ dưỡng bảo vệ tế bào não, nâng đỡ thể chất và tinh thần.

- Đối với “ Rối loạn phân li tập thể”: trong tập thể cùng một môi trường bị sang chấn tâm thần, khi xuất hiện ca đầu tiên cần nhanh chóng cách ly ngay người bệnh, không cho hoặc hạn chế mọi người tiếp cận với người bệnh đó để giảm tác hại của bệnh, tránh hiện tượng “lây lan” thành bệnh tập thể.

Phòng bệnh

Rối loạn phân li là một bệnh xuất hiện thường do sang chấn kết hợp với nhân cách yếu và một vài yếu tố thuận lợi khác…Do vậy, để dự phòng bệnh này:

- Cần tuyên truyền giáo dục phổ cập những hiểu biết cần thiết về các rối loạn phân ly.

- Để tránh bị nhân cách Hysteria cần rèn luyện tính cách ngay từ khi còn nhỏ, hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn.

         Hoạt động ngoại khóa tạo môi trường tốt phòng chống rối loạn phân li

- Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác.

- Tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể…

- Trong môi trường làm việc học tập căng thẳng thì việc cải thiện môi trường, kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi hợp lí làm giảm sức ép làm việc và học tập, cũng như đảm bảo chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe thể chất cho người bệnh là một việc làm cần thiết để phòng bệnh.

- Nhân cách của nữ thường yếu và hay mắc bệnh hơn nam. Vì vậy, cần thiết bố trí số lượng nam nữ hài hòa trong một tập thể để tránh hiện tượng “lây lan” bệnh. Khi bệnh xảy ra thì chính các em nam sẽ là chỗ dựa về tâm lí cho các em nữ.

Theo BS CKII. Nguyễn Hoàng Điệp

Nguồn: http://www.bvtttw1.gov.vn/?lang=V&func=newsdetail&newsid=740&CatID=34&MN=7