Sức khỏe tâm thần cần được xã hội quan tâm hơn

Ngày đăng: 02/11/2017

Xã hội càng phát triển, áp lực cuộc sống càng nhiều khiến bệnh tâm thần đang có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%. Số còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời, dễ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo tổ chức y tế thế giới, Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không phải chỉ bao gồm có tình trạng không có bệnh hay thương tật. Sức khoẻ cho mọi người là mục tiêu lớn, mục tiêu chiến lược của tổ chức y tế thế giới (WHO), của nhiều quốc gia phát triển và của cả ngành y tế nước ta và cũng là thước đo chung của mọi xã hội văn minh, tiến bộ. Không thể chia cắt sức khoẻ thể chất với sức khoẻ tâm thần xã hội và ngày càng phải khẳng định vai trò quan trọng của sức khoẻ tâm thần trong một nỗ lực chung để nâng cao chất lượng sống cho mọi người trong một xã hội phát triển.

Trong khi sức khoẻ về thể chất đã được dần từng bước xã hội đặt đúng vào vị trí của nó, thì sức khoẻ tâm thần còn phải bền bỉ phấn đấu để thay đổi dần nhận thức vẫn còn nhiều lệch lạc, nhiều mặc cảm. Vậy sức khoẻ tâm thần là gì? "Sức khoẻ tâm thần không chỉ là một trạng thái không có rối loạn hay dị tật về tâm thần, mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái".

Muốn có một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái thì cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có được sự cân bằng và hoà hợp giữa các cá nhân, môi trường xung quanh và môi trường xã hội. Như vậy, thực chất sức khoẻ tâm thần ở cộng đồng là:

1. Một cuộc sống thật sự thoải mái.

2. Đạt được niềm tin vào giá trị bản thân, vào phẩm chất và giá trị của người khác.

3. Có khả năng ứng xử bằng cảm xúc, hành vi hợp lý trước mọi tình huống.

4. Có khả năng tạo dựng, duy trì và phát triển thoả đáng các mối quan hệ.

5. Có khả năng tự hàn gắn để duy trì cân bằng khi có các sự cố gây mất thăng bằng, căng thẳng (Tổ chức y tế thế giới. Geneva - 1998).

Vậy là chăm sóc bảo vệ sức khoẻ tâm thần cho mọi người là một mục tiêu rất cụ thể, mang tính xã hội, nhưng cũng rất cao, rất lý tưởng và phải phấn đấu liên tục để tiến dần từng bước, cuối cùng đạt được mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống” cho con người.

Trên thực tế, những bất thường nhưng rất bình thường về tâm lý như: Ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ, buồn chán, hay cáu gắt, mệt mỏi kéo dài không rõ lý do, tăng nhạy cảm với các âm thanh, kém tập trung, phóng đại về năng lực cá nhân... đều được coi có vấn đề về tâm thần. Và đây thực sự là điều đáng báo động.

Theo Bộ Y tế, nước ta có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị..

Không để stress kéo dài 

Thực tế chỉ ra rằng mỗi con người khi gặp một sang chấn nào đó, ranh giới giữa trạng thái tâm lý bình thường với trạng thái tâm thần nhiều khi rất mong manh. Đặc biệt, với những trí thức làm việc căng thẳng, thường “nhạy cảm” hơn, ít có khả năng “đề kháng” với các sang chấn tâm lý. Nếu không gặp được những liệu pháp tâm lý kịp thời, người thân thờ ơ thì có thể dẫn đến bệnh tâm thần, thậm chí là hành vi tự tử.

Cởi mở hơn trong các quan hệ xã hội

Không phải ai cũng có thể cởi mở về cảm xúc của bản thân trước người khác. Tuy nhiên, thu mình trước bạn bè hoặc trước người khác cũng như trải nghiệm mới mẻ có thể ngăn chặn bạn phát triển bản thân. Học cách mở lòng để có thể cải thiện sức khỏe xã hội và tinh thần và sống một cuộc sống trọn vẹn, có ý nghĩa hơn với cuộc sống.

Và trên hết phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý

Bạn cần có một chế độ nghỉ ngơi xen kẽ hợp lý, ví dụ như chỉ tập trung cao độ để học tập, làm việc trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó cho phép mình được thư giãn rồi mới tiếp tục. Việc tập trung cao độ sẽ vừa giúp bạn tiết kiệm được thời gian, tránh mệt mỏi mà vẫn đạt được hiệu quả. Cái khó nhất là bạn phải thực sự tập trung, tránh bị xao nhãng bởi những yếu tố bên ngoài.

Tìm đến bác sĩ chuyên khoa khi có các vấn đề về tâm lý hay tâm thần

Áp lực trong cuộc sống là điều không tránh khỏi, có người vượt qua stress, sang chấn tâm lý một cách dễ dàng. Nhưng có người triền miên đau khổ, áp lực, dồn nén lâu ngày trở thành trầm cảm. “Khi phát hiện người thân có những biểu hiện mệt mỏi, chán nản, không tập trung... Tình trạng này kéo dài ít nhất 2 tuần thì gia đình cần đưa đến các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, thần kinh”.

Tùy vào mức độ nặng nhẹ sẽ điều trị phù hợp. Nếu nhẹ thì bệnh nhân ngoài việc uống thuốc bệnh nhân còn được hướng dẫn thay đổi lối sống, tập thể dục, đi du lịch, tâm lý trị liệu, thường xuyên giao tiếp với mọi người. Trường hợp nặng phải được nhập viện để điều trị nội trú, nếu có những ý tưởng hoặc hành vi tự tử phải thao dỏi thật sát sao.

“Bệnh trầm cảm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng thời gian điều trị dài. Một liệu trình điều trị kéo dài ít nhất 6 tháng, tùy mức độ nghiêm trọng về vấn đề tâm lý, có người điều trị tới hai năm. Thông thường hai tuần hoặc bốn tuần một lần, bác sĩ sẽ tiếp xúc, trò chuyện cùng bệnh nhân của mình. Tùy mỗi bệnh nhân sẽ có cách thức nói chuyện, sử dụng kỹ năng tham vấn phối hợp với những bài tập điều trị khác nhau giúp người bệnh thoát khỏi gánh nặng tâm lý kia. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tái phát sau khi điều trị khỏi trong trường hợp bệnh nhân gặp phải một sang chấn nào đó như người thân mất, tai nạn,…”.

Quá trình điều trị, bác sĩ tâm lý giúp họ bộc lộ cảm xúc, đào sâu những câu chuyện của họ từ hồi nhỏ. Rà soát xem trước đó cuộc sống của họ có biến cố gì, giúp họ hiểu rõ vấn đề của mình.

Nguồn: Tổng hợp

Thanh Toàn