Thầy bói, thầy cúng và bác sĩ : Ai hơn ai ?

Ngày đăng: 06/07/2018

Thầy bói, thầy cúng và bác sĩ : Ai hơn ai ?

Bệnh nhân tâm thần quậy phá, kích động, ghê tợn, dơ bẩn không tự tắm gội, đi lang thang… Từ lâu đã ăn sâu vào tâm trí của người dân.

Không phải tự nhiên mà người dân lại sợ và xa lánh bệnh nhân tâm thần. Từ xa xưa, trong y văn đã có mô tả lại những trường hợp có rối loạn tâm thần và được mọi người “chữa” bằng bùa phép, nghi lễ, thờ cúng… Đến tận thế kỷ 18 người bệnh tâm thần vẫn bị giam giữ bằng xiềng xích và đánh roi được coi như một phương pháp chữa trị với những người được cho là bị thần thánh và các thế lực siêu nhiên trừng phạt.

Phải đến tận đầu những nǎm 1950, người ta vô tình phát hiện Chlopromazin có tác dụng điều trị loạn thần cho các bệnh nhân tâm thần phân liệt kích động. Và chỉ trong hơn nữa thế kỉ qua, các thuốc mới cho bệnh nhân tâm thần được tìm ra. Nó đánh dấu một bước tiến rất lớn trong việc điều trị và quản lý bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng.

Bệnh tâm thần phân liệt chiếm tỷ lệ khoảng 0,3-1,7% dân số ở các quốc gia và thường xảy ra ở những người trẻ từ 18-40 tuổi. Tỷ lệ này không phụ thuộc vào các yếu tố chủng tộc, môi trường, địa lý hay thời gian. Chưa tính đến các bệnh Tâm thần khác thì mọi quốc gia hải có những sự bảo vệ, quản lý, điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần mạn tính, hoặc bệnh nhân tâm thần mắc phải.

 

Ở nước ta, sau nhiều năm triển khai việc quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Quá trình này bao gồm: đánh giá bệnh nhân tâm thần, cấp sổ quản lý tại địa phương, tái khám cấp thuốc uống hằng tháng. Tuy vậy, chương trình này mới chỉ tập trung vào hai bệnh, tâm thần phân liệt và động kinh. Điều này rất phù hợp, vì không phải bệnh tâm thần nào cũng cần cách ly để điều trị, khoảng hơn 90% người bệnh tâm thần có thể làm việc như những người bình thường. Điều này làm bớt đi gánh nặng cho cộng đồng, cho xã hội.

Một số nhà chuyên môn ước tính con số người Việt Nam bị tâm thần có thể lên đến hơn 1/5 dân số, thậm chí tỷ lệ này có thể còn cao hơn. Cũng theo nhiều nhà chuyên môn, tình trạng người bệnh không biết mình có bệnh, giấu bệnh hay chỉ tìm đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển mạnh là rất phổ biến. Ngoài một số chứng bệnh tâm thần truyền thống là động kinh, tâm thần phân liệt hay loạn thần, còn một loạt các chứng bệnh khác như trầm cảm, hưng-trầm cảm (rối loạn lưỡng cực), hysteri, chậm phát triển, suy nhược thần kinh, rối loạn tâm lý-hành vi, rối loạn tinh thần liên quan đến chất gây nghiện… Các căn bệnh tâm thần không chỉ là một trong 10 căn bệnh đứng đầu tại Việt Nam, mà trong tương lai gần, một số dự đoán cho rằng đây là căn bệnh thứ hai, đứng sau tim mạch. Đó là chưa kể những vấn đề tâm lý lại là nguyên nhân sâu xa của rất nhiều căn bệnh.

Hệ thống hiện tại không đáp ứng được các yêu cầu chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng cho người bệnh. Hệ thống chính thức của ngành tâm thần, bao gồm từ trung ương đến các tỉnh, chủ yếu tập trung vào nhóm bệnh "loạn thần". Còn những bệnh phổ biến khác, như trầm cảm, lo âu, sang chấn sau stress…, kể cả của trẻ em, hệ thống này cũng chưa đáp ứng được.

Chính vì thế, việc xuất hiện các hình thái chăm sóc của các cơ sở tư nhân không có chuyên môn trong thời gian gần đây, tôi cho rằng, thể hiện nhu cầu chăm sóc khá lớn trong xã hội, thường là đối với những người bệnh nặng. Quả là các cơ sở này đã có một sự nhạy bén để đáp ứng nhu cầu này.

Về chất lượng chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng ở các cơ sở chính thức và không chính thức nhìn chung không được kiểm soát và thấp hơn so với yêu cầu thực tế.

Nơi quá tải, nơi trống vắng : Méo mó hệ thống

 

Hệ thống chính thức gồm các bệnh viện trung ương và tỉnh chỉ tập trung điều trị các bệnh nhân loạn thần, và chủ yếu là bằng thuốc, hóa trị liệu. Việc điều trị không dùng thuốc, gồm trị liệu tâm lý, các trị liệu bằng xây dựng hành vi, ứng xử, hoặc bằng cách tạo các môi trường phù hợp cho bệnh nhân, thì chưa có trong các bệnh viện này. Còn dự án Tâm thần quốc gia chủ yếu tập trung vào phát thuốc cho người bệnh đã từng điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, sau khi họ trở về nhà. Ngay cả hệ thống này, sau gần 15 năm triển khai, cũng mới chỉ bao phủ được 70% số xã, và cũng mới chỉ tập trung vào hai bệnh, tâm thần phân liệt và động kinh, và đang bắt đầu thí điểm cho bệnh trầm cảm từ năm năm nay, nhưng mới chỉ được tại vài xã và hiện chưa có đánh giá để triển khai rộng.

Hệ thống điều trị tư nhân về ngành tâm thần hầu như chưa có.

Về phía không chính thức, nơi chăm sóc đầu tiên đối với người bệnh là gia đình, cộng đồng, chúng tôi gọi là "phi dịch vụ". Hoàn toàn trên cơ sở tình thương, tình làng nghĩa xóm. Phải nói là hầu hết người bệnh tâm thần ở Việt Nam đều nhận được sự hỗ trợ này. Tôi cho là chăm sóc này chịu trách nhiệm chính.

 

Gần đây, có hiện tượng một số cơ sở tư nhân mở ra để nhận các bệnh nhân nặng, thường là do các gia đình có hoàn cảnh, không thể chăm sóc được. Cũng có những người không có nơi nương tựa. Lẽ ra đây là trách nhiệm của Bộ Thương binh, Lao động, Xã hội, bên Bảo trợ xã hội. Theo đánh giá của chúng tôi, các trung tâm của cơ quan Bảo trợ xã hội chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ, và chất lượng không được tốt, nên nhiều người không muốn vào.

 

Điều trị, chăm sóc người bệnh tâm thần, trước hết cần cái tâm (hơn), điều này khác với các cơ sở điều trị bệnh khác trong y tế. Riêng người bệnh tâm thần thường là người nghèo, nên khi mở ra các cơ sở này, tôi cho rằng họ không xuất phát từ động cơ vụ lợi về tài chính…. Khi xuất hiện những cơ sở này, tôi cho là đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, để hình thái này vững bền, và đóng góp vào việc chất lượng chăm sóc tốt lên, ngoài việc khuyến khích họ, tạo điều kiện cho có được những bữa ăn, những điều kiện sinh hoạt tối thiểu, thì cần phải hỗ trợ họ về chuyên môn. Lẽ ra ngành y tế phải để tâm đến các trường hợp này.

Lấy người bệnh làm trung tâm : Mục tiêu chưa thống nhất

Điều trị phục hồi chức năng là đặt bệnh nhân làm trung tâm. Mục tiêu cuối cùng là làm sao trả được bệnh nhân về xã hội. Nếu người bệnh phải đến các cơ sở tập trung, thì chỉ trong giai đoạn bệnh cấp mà thôi. Ngay trong quá trình điều trị bệnh cấp, tại các cơ sở này cũng chia thành nhiều khu, khu chẩn đoán, khu điều trị cấp thời, và khu phục hồi chức năng giai đoạn một, với sự kiểm soát chặt của nhân viên y tế, để giúp họ xây dựng lại các hành vi ứng xử cơ bản. Sau đó chuyển họ sang giai đoạn làm quen với môi trường, để từ đó có thể trở về với cộng đồng. Ví dụ như, bên cạnh việc tập lại các ứng xử cơ bản, là bắt đầu tập làm việc, tiếp xúc thông tin, học nghề… Chính trong cơ sở này phải có các hỗ trợ phục hồi như vậy.

Muốn có được cách chăm sóc như vậy, thì toàn bộ hệ thống phải được xây dựng trên nguyên lý lấy người bệnh làm trung tâm, và phải coi gia đình và cộng đồng là thành tố cơ bản, lâu dài… Họ phải được cung cấp các kiến thức cơ bản, phải được hỗ trợ cách tạo môi trường thuận lợi cho người bệnh, cách xử lý những khủng hoảng ở người bệnh. Và các hoạt động hỗ trợ của nhân viên xã hội, của đội hỗ trợ khẩn cấp của cộng đồng… Bên cạnh gia đình, phải có một đội ngũ đa ngành chăm sóc tại cộng đồng, vì bệnh nhân tâm thần là người có nhiều nhu cầu bị tổn thương.

Nguồn: Internet tổng hợp.