TRUYỀN THỐNG HOẠT ĐỘNG
TRUNG TÂM PHÁP Y TÂM KHU VỰC TÂY NAM BỘ
ThsBS Lê Hoàng Vũ
Bệnh tâm thần là loại bệnh phổ biến của xã hội hiện đại. Theo điều tra, nước ta có 14,9% dân số mắc 10 loại bệnh tâm thần thường gặp; trong đó, một số ít là các bệnh tâm thần nặng, đa số là các bệnh gần gũi với con người như trầm cảm, lo âu, mất ngủ...
Người bệnh tâm thần
Giám định pháp y tâm thần là một bộ phận của Tâm thần học, phát triển cùng với sự phát triển chung của Ngành Tâm thần, có nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ Ngành Công an, Toà án, Viện Kiểm sát, giám định những nghi can, bị can, bị cáo, người bị hại và những trường hợp dân sự, nghi có rối loạn tâm thần, xác định họ có bệnh hay không, giả bệnh hay làm tăng triệu chứng; đồng thời, kết luận họ mất, hạn chế hay còn đầy đủ năng lực hành vi. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác giám định pháp y tâm thần có ý nghĩa chính trị to lớn, không những tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà còn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người bệnh tâm thần. Ở nước ta hiện nay, công tác giám định pháp y tâm thần có những đòi hỏi cấp bách mà Bộ Luật Dân sự và Hình sự đã nêu rõ những vấn đề trách nhiệm của người bệnh tâm thần.
Đất nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, kết quả bước đầu là đã giữ vững ổn định chính trị, giành được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng ... Tuy nhiên, với mặt trái của nền kinh tế thị trường, tính phức tạp của xã hội càng tăng lên, các hành vi gây án của bọn tội phạm ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều vụ giết người hàng loạt xảy ra trong nước và trên thế giới gần đây do đối tượng gây án có vấn đề rối loạn tâm thần..., nên công tác giám định pháp y nói chung và pháp y tâm thần nói riêng phải nhanh chóng, kịp thời, chính xác, để giúp cho công tác điều tra, truy tố và xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trong giai đoạn hiện nay, khi tội phạm và các tranh chấp có liên quan đến y học ngày càng nhiều và phức tạp, để đáp ứng yêu cầu thực tế, công tác giám định pháp y tâm thần có những đòi hỏi cấp bách như: hoàn thiện tổ chức giám định pháp y tâm thần, phát triển đội ngũ giám định viên có trình độ cao, tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… phục vụ cho hoạt động giám định pháp y tâm thần là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, công tác điều trị bệnh tâm thần như điều trị bắt buộc theo quy định của pháp luật, khám chữa bệnh tâm thần cho người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân dân, giảm tải cho các Bệnh viện Tâm thần trong khu vực.
Từ năm 2013-2015, tại 8 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang), các Tổ chức Giám định pháp y tâm thần còn nhiều bất cập, chưa được củng cố, tạo thành một hệ thống pháp y tâm thần hoàn thiện vì nhiều lý do khác nhau, đó là một trong những khó khăn cho việc điều hành và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành Pháp y tâm thần.
Để đảm bảo yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng theo đúng quy định của luật pháp, cũng như căn cứ nguồn lực thực tế hiện có, ngày 01 tháng 07 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 677/QĐ-BYT về việc thành lập Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ trực thuộc Bộ Y tế đặt tại TP. Cần Thơ trên cơ sở Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần TP.Cần Thơ, nhằm tận dụng nguồn lực sẵn có, phục vụ kịp thời công tác giám định tư pháp của các cơ quan chức năng, đáp ứng yêu cầu của người dân trong các trường hợp hình sự và dân sự cho 8 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ thực hiện giám định pháp y tâm thần trên địa bàn tại 8 tỉnh khu vực miền Tây Nam Bộ (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang), theo quy định của Luật Giám định tư pháp; thực hiện nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế về chuyên ngành pháp y tâm thần; tham gia khám chữa bệnh tâm thần theo yêu cầu khi pháp luật cho phép.
Một buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học tại Trung tâm
C. THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM
- Đã tổ chức triển khai Luật Giám định tư pháp.
- Quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác giám định, cụ thể:
+ Hoạt động giám định từng bước được pháp luật hóa, hoạt động chuyên môn tuân thủ theo các quy định pháp luật và hạn chế các sai sót.
+ Các kết luận giám định chính xác, đúng luật, góp phần làm căn cứ cho việc định tội, lượng hình các tội danh quy định trong phần các tội phạm của Bộ Luật Hình sự và xác định năng lực hành vi dân sự của các vụ việc dân sự, vụ án dân sự và vụ án hành chính.
Từ 1/7/2015-30/11/2016: trụ sở Trung tâm được bố trí tạm thời trong khuôn viên của Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ: 60 m2.
Từ ngày 01/12/2016 đến nay: Trụ sở nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ : mượn tạm tầng trệt Khu đào tạo có diện tích 600 m2 để triển khai hoạt động trong giai đoạn đầu, mới chỉ đáp ứng được 30 giường nội trú.
3. Tổ chức bộ máy quản lý
Hiện nay, Trung tâm mới thành lập nên chưa được xếp hạng, với quy mô được giao ban đầu là 30 giường bệnh, có 4 Khoa - Phòng.
3.1. Lãnh đạo Trung tâm
- Từ năm 2011-2014: BS.CKI. Nguyễn Tiến An (đã về hưu năm 2014), Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ kiêm Giám đốc Trung tâm.
- Từ năm 2014-2015: BS.CKI. Võ Cánh Sinh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ kiêm Giám đốc Trung tâm.
- Từ tháng 7/2015 đến nay: BS.CKI. Vương Ngọc Hải: Giám đốc Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ kiêm Bí thư Chi bộ.
3.2. Các khoa phòng chức năng và chuyên môn
Trung tâm hiện có 02 Phòng chức năng giúp việc cho Ban Lãnh đạo và 02 Khoa chuyên môn:
- Khoa Khám bệnh - Dược - Cận lâm sàng;
- Khoa Giám định;
- Phòng Kế hoạch tổng hợp;
- Phòng Tổ chức - Hành chính-Kế toán.
3.3. Nhân lực
-Năm 2015, lúc mới thành lập, Trung tâm chỉ có 14 biên chế:
-Hiện nay, Trung tâm đang quản lý 28 công, viên chức. Trong đó:
+ Biên chế: 14, hợp đồng: 14 (hợp đồng theo Nghị định 68: 02).
+ Trình độ chuyên môn:
♦ Bác sĩ Giám định viên: 02 (01 BS CKI, 01 ThS);
♦ Bác sĩ chưa phải Giám định viên: 04.
♦ Đại học - Cao đẳng: 08 (04 CNĐD - CĐĐD, 01 DSĐH, 03 ĐH khác);
♦ Trung học: 01 ( 01 ĐDTH);
♦ Cán bộ khác: 02 (Hộ lý), 02 bảo vệ.
Số giám định viên (GĐV) hiện có: 02 GĐV cơ hữu và 3 GĐV kiêm nhiệm (02 đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ, 01 tại Bộ môn Tâm thần) và 01 GĐV theo vụ việc. Trình độ chuyên môn gồm: 02 Thạc sĩ và 03 BSCKI chuyên ngành tâm thần. Các giám định viên có đầy đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt công tác giám định khi được trưng cầu, yêu cầu.
4.1. Về xây dựng cơ bản
Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ hiện nay được tạm bố trí sử dụng tầng trệt Khu đào tạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Trung tâm sẽ chuyển đến trụ sở mới khi Bộ Y tế chấp thuận việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên khu đất 1,5 hecta tại Lộ Tẻ Ba Xe, phường Phước Thới, quận Ô Môn do UBND TP. Cần Thơ qui hoạch năm 2016.
4.2. Trang thiết bị
Hiện nay, Trung tâm đã được trang bị các hạng mục trang thiết bị y tế cần thiết ban đầu để chẩn đoán, giám định và điều trị đối tượng, người bệnh. Các hạng mục gồm có: máy điện não, máy điện tim, trắc nghiệm tâm lý, máy hút đàm, máy oxy khí trời, nồi hấp tiệt trùng. Các trường hợp chụp X quang, CT Scanner, xét nghiệm huyết học, sinh hóa máu phải gởi sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ thực hiện.
5.1. Hoạt động giám định pháp y tâm thần
- Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ đã tiến hành giám định theo quyết định trưng cầu của các Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đúng trình tự, chặt chẽ và đúng luật quy định.
- Kết quả giám định tố tụng:
+ Từ năm 2011-2015: 133 cas.
+ Từ 01/7/2015- 31/12/2015: 81 cas.
+ Từ 01/01/2016- 31/12/2016: 163 cas.
+ Từ 01/01/2017-30/6/2017: 69 cas.
- Kết quả khám sức khỏe tâm thần cấp giấy y chứng:
+ Từ năm 2013-2015: chưa triển khai.
+ Từ 01/7/2015- 31/12/2015: 60 cas.
+ Từ 01/01/2016- 31/12/2016: 73 cas.
+ Từ 01/01/2017-30/6/2017: 107 cas.
- Tiếp tục công tác đào tạo và tự đào tạo lại cho các thành viên trong Trung tâm để nâng cao trình độ chuyên môn (chẩn đoán, giám định, điều trị, tâm lý lâm sàng, điều dưỡng) và pháp luật thông qua các buổi sinh hoạt khoa học định kỳ, cập nhật thông tin của Trung tâm.
- Cử các Bác sĩ tham gia các lớp định hướng chuyên khoa, các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ giám định pháp y tâm thần.
- Cử 01 Điều dưỡng học Cử nhân Điều dưỡng tại Trường Đại học Y - Dược Trà Vinh.
- Triển khai 02 lớp tập huấn cho cán bộ viện chức Trung tâm về công tác giám định pháp y tâm thần và một số kiến thức về tâm thần học.
- Đăng ký và triển khai thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
5.3. Các hoạt động chuyên môn khác như công tác điều dưỡng, công tác dược, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe: tổ chức thực hiện theo đúng qui chế do Bộ Y tế ban hành.
6. Hoạt động Các tổ chức chính trị đoàn thể xã hội
- Ngày 25/12/2015, Chi bộ Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ được thành lập trực thuộc Đảng ủy Khối cơ quan dân chính Đảng Tp. Cần Thơ gồm có 04 đồng chí, trong đó đ/c Vương Ngọc Hải làm Bí thư chi bộ. Hiện nay chi bộ có 08 đảng viên, trong đó có 07 đảng viên chính thức và 01 đảng viên dự bị. Năm 2016, chi bộ đạt danh hiệu Chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh.
- Công đoàn cơ sở Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ được thành lập vào tháng 09/2015 trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam gồm có 14 đoàn viên do đồng chí Huỳnh Thanh Nhàn làm Chủ tịch BCH công đoàn lâm thời. Tháng 09/2016, Đại hội công đoàn cơ sở lần thứ nhất được tổ chức thành công bầu ra BCH công đoàn nhiệm kỳ 2016-2021 gồm có 03 đồng chí: Lê Hoàng Vũ, Huỳnh Thanh Nhàn, Trần Nguyễn Thảo Nguyên, trong đó đ/c Lê Hoàng Vũ làm chủ tịch công đoàn. Hiện nay, có 28 đoàn viên công đoàn.
- Ngày 22/02/2016, Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh của Trung tâm Pháp y Tâm thần khu vực Tây Nam Bộ được thành lập trực thuộc Đoàn khối Cơ quan Dân chính Đảng TP. Cần Thơ. Ngày 12/01/2017, tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất bầu ra BCH chi đoàn gồm có 03 đồng chí: Nguyễn Tấn Phương, Nguyễn Lâm Giang, Bùi Thu Lam, trong đó đ/c Nguyễn Tấn Phương làm Bí thư chi đoàn. Hiện nay, chi đoàn có 12 đoàn viên.
Nhìn chung, sau 2 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã thực hiện khá đầy đủ các nội dung trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ và đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhất là công tác giám định pháp y tâm thần.