NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, HÌNH ẢNH CT – SCAN SỌ NÃO VÀ KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH PYTT CÁC ĐỐI TƯỢNG BỊ HỘI CHỨNG SAU CHẤN ĐỘNG NÃO TẠI TRUNG TÂM PHÁP Y TÂM THẦN KHU VỰC TÂY NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2015 - 2018

Ngày đăng: 09/01/2020
“NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, HÌNH ẢNH CT – SCAN SỌ NÃO VÀ KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH PYTT CÁC ĐỐI TƯỢNG BỊ HỘI CHỨNG SAU CHẤN ĐỘNG NÃO TẠI TRUNG TÂM PHÁP Y TÂM THẦN KHU VỰC TÂY NAM BỘ GIAI ĐOẠN 2015 - 2018”
Lê Hoàng Vũ
Nguyễn Tấn Phương
Nguyễn Thị Thùy Dương
Đặt vấn đề
            Hội chứng sau chấn động não là một trong những di chứng phổ biến thường gặp của chấn thương sọ nào: Một hội chứng xảy ra sau chấn thương (thường đủ trầm trọng để gây ra trạng thái mất ý thức) và bao gồm một số triệu chứng: Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, dễ cáu kỉnh, khó tập trung và làm các công việc trí óc, giảm sút trí nhớ, mất ngủ và giảm sự chịu đựng đối với stress, kích động cảm xúc hoặc rượu. Đặc biệt ở những bệnh nhân đã có biến đổi nhân cách do chấn thương sọ não gây ra, thường có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Để có chứng cứ nhằm giải quyết vụ án hoặc vụ việc một cách khoa học, chính xác, công bằng và đúng pháp luật, cơ quan tố tụng thường có quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
Mục tiêu nghiên cứu
            Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, hình ảnh CT Scan sọ não các đối tượng bị Hội chứng sau chấn động não trong giám định pháp y tâm thần.
            Nghiên cứu kết luận giám định pháp y tâm thần cho các trường hợp được chẩn đoán Hội chứng sau chấn động não.
Phương pháp nghiên cứu
            Nghiên cứu mô tả kết hợp hồi cứu.
Kết quả
            Qua quá trình thu thập số liệu chúng tôi ghi nhận có 43 mẫu trong số 537 trường hợp giám định nội trú phù hợp với tiêu chuẩn chọn mẫu. Hội chứng sau chấn động não trong giám định nội trú tại Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ trong giai đoạn 2015 - 2018 chiếm tỉ lệ: 8%.    
            Qua nghiên cứu này, chúng tôi rút ra được những kết luận về biểu hiện lâm sàng, CT - Scan sọ não và kết quả giám định pháp y tâm thần của các đối tượng có Hội chứng sau chấn động não giai đoạn 2015-2018, để từ đó đúc kết được kinh nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn công tác.
            - Nam nhiều hơn so với nữ (97% so với 3%).
            - 93,03%đối tượng trong độ tuổi lao động từ 18-60.
            - 81,4% đối tượng sinh sống bằng các nghề nghiệp là lao động chân tay.
            - Đa số đối tượng có trình độ học vấn thấp, chủ yếu là mù chữ, cấp I và cấp II (chiếm tỉ lệ 88,38%).
            - 97,67% đối tượng sinh sống ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
            - 84% đối tượng là người phạm tội, 16% người bị hại.
            - 97,67% vụ việc là vụ án hình sự, còn lại là vụ việc dân sự (2,33%).
            - Đa số các vụ việc là tai nạn giao thông (60,47%), cố ý gây thương tích (23,26%).
            - Tỉ lệ Hội chứng sau chấn động não sau chấn thương trong giai đoạn 2015-2018 là 08%.
            - Biểu hiện lâm sàng của hội chứng sau chấn động não là các triệu chứng thường gặp như: Mất ý thức sau khi xảy ra sự kiện chấn thương sọ não (100%), đau đầu (97,67%), khó tập trung tư tưởng (7,67%), suy giảm trí nhớ (97,67%), giảm sức chịu đựng đối với stress (97, 67%)....
            - Biểu hiện hình ảnh CT - Scan sọ não tại thời điểm giám định có các hình ảnh thường gặp như sau: Dấu hiệu khuyết sọ chiếm 37,21%; Tổn thương não cũ chiếm tỉ lệ 37,21%; Dấu hiệu xuất huyết não chiếm 9,3%; Dấu hiệu nứt sọ là 2,33%, rất ít trường hợp 6,98% không phát hiện bất thường trên phim.
            - Chiếm đa số là Hội chứng sau chấn động não mức độ suy não chấn thương (chiếm tỉ lệ 97,67%) giai đoạn chưa ổn định, chỉ có 2,33% Hội chứng sau chấn động não mức độ suy não chấn thương giai đoạn ổn định. Không có trường hợp nào ở mức độ nhẹ hơn là suy nhược chấn thương.
            - Về năng lực: Đa số đối tượng bị Hội chứng sau chấn động não được kết luận hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (chiếm 97,67%). Chỉ có 01 trường hợp (2,33%) là đủ khả năng khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Văn Cường và cộng sự (1996), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và các nhân tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở bệnh nhân tâm thần phân liệt trong giám định pháp y tâm thần”, Luận án phó tiến sĩ khoa học y dược, Đại học y khoa Hà Nội.
2. Vương Ngọc Hải và cộng sự (2015), “Đánh giá khái quát về công tác giám định pháp y tâm thần tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần Tp Cần Thơ”, Trung tâm pháp y tâm thần Cần Thơ, Đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở.
3. Dương Văn Lương và cộng sự (2014), “Nghiên cứu cơ cấu bệnh tâm thần và một số yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội trong giám định pháp y tâm thần”, Bệnh viện tâm thần TW I; Đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở.
4. Lê Hoàng Vũ và cộng sự (2017), “Nghiên cứu tỉ lệ các rối loạn tâm thần và một số yếu tố thúc đẩy hành vi phạm tội ở các đối tượng được giám định nội trú tại Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ giai đoạn 2015-2016”, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ, Đề tài nghiên cứu khoa học cơ sở.
5. Harvey A.Whiteford (2014), Estimating treatment rates for mental desorder in Australia, Australian Health Review, pp. 80 - 85.
6. James, F.E. (1991), “Psyche”, Psychiatric Bulletin (Hillsdale, NJ: Analytic Press) 15 (7), pp. 429–431.
7. John M.Grohol (2011), “Medical statistics of Mental illness”, Archives of General Psychiatry, 62 (6), pp. 593-602.
8. K.S.Sengar (2012), “Models of Mental illness”, Conference Hall, pp. 3-36.
 
 
 
 

Bài viết liên quan