Bệnh Động kinh là gì?

Ngày đăng: 02/11/2017

Động kinh là bệnh lý xảy ra do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời một nhóm các tế bào thần kinh của vỏ não (chất xám), gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Điều này làm xuất hiện các cơn co giật lặp đi lặp lại nhiều lần với những thay đổi từ cảm giác, nhận thức đến hành vi vận động.

I. Phân biệt bệnh động kinh/ giật kinh phong với các dạng bệnh khác

Một số trường hợp các bệnh khác cũng có thể là tác nhân gây nên cơn co giật, ví dụ như hạ đường huyết, say nắng, sử dụng rượu bia, hạ canxi huyết, tăng natri huyết, hoặc các chất gây nghiện quá mức giới hạn cho phép... Dưới đây là một số điểm để nhận diện thường gặp khi có cơn co giật, tránh nhầm lẫn với bệnh động kinh:
   - Cơn co giật do hạ canxi huyết: Sẽ bị tê và ngứa ran ngón chân, ngón tay, chuột rút cơ bắp, cứng khớp hoặc run giật... khi xét nghiệm máu cho thấy rõ sự sụt giảm nồng độ canxi máu kèm theo chứng rối loạn một số các chất điện giải khác.
   - Co giật do hạ đường huyết: Cơ bản không xuất hiện mình triệu chứng co giật mà còn có sự kết hợp với một số biểu hiện khác như vã mồ hôi, hoa mắt hay chóng mặt, choáng váng, đau đầu, buồn nôn, cuối cùng là ngất xỉu. Khi kiểm tra glucose máu giảm dưới mức bình thường.

II. Phân loại bệnh động kinh và những triệu chứng điển hình

Động kinh thường được phân làm 2 loại chính là động kinh cục bộ và động kinh toàn thể, tương ứng với một loại sẽ có những thể bệnh điển hình khác nhau. Cụ thể:

Động kinh cục bộ: Gây ra do một ổ hưng phấn ở vỏ não, có thể chỉ kích thích tại chỗ hoặc sau lan ra toàn thể vỏ não, gây tiếp cơn co giật toàn thân.

- Động kinh cục bộ thùy trán: thường biểu hiện giật mắt, cơ mặt sau đó chuyển sang giật tay, chân, ban đầu thường không mất ý thức như khi giật mặt nhiều có thể giảm hoặc mất ý thức.

- Động kinh cục bộ thùy thái dương: người bệnh ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy miệng có vị đắng ngắt hoặc tanh mùi sắt, tinh thần và cảm xúc thay đổi lạ thường, không tự chủ, không kiểm soát được hành vi và ý thức.

- Động kinh thực vật: giãn hoặc co đồng tử, đỏ bừng mặt và cổ, vã mồ hôi, sởn gai ốc, tim đập chậm hoặc nhanh, đột ngột hạ huyết áp, đau đầu từng cơn...

Động kinh toàn thể: Xảy ra do kích thích cả hai bên vỏ não và thường gây ra các cơn co giật toàn thân.

- Động kinh Tonic-Clonic (co cứng – co giật): Bệnh nhân đột nhiên ngã, các cơ co cứng lại và giật liên tục kéo dài khoảng 2-3 phút sau đó bệnh nhân từ từ tỉnh lại nhưng rất mệt mỏi.

- Động kinh vắng ý thức thường xảy ra ở trẻ em: Các biểu hiện như ngừng hoạt động trong một vài giây như ngừng đi, nói chuyện, làm việc. Nháy mắt nhanh và liên tục, miệng chép, nhai khi không ăn. Nhìn chằm chằm vào một thứ gì đó và không biết những gì xung quanh xảy ra. Mỗi cơn diễn ra trong khoảng 3-30 giây và lặp lại nhiều lần trong ngày, có thể lên tới 50 – 100 cơn/ngày, do vậy nó sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, làm giảm khả năng nhận thức, học tập của trẻ.

- Động kinh Myoclonic: Cơn co giật xảy trong một thời gian ngắn ở một bộ phận cơ thể chẳng hạn như các cơ mặt, tay hoặc chân.

- Động kinh Atonic (mất trương lực cơ): Mất trương lực cơ ở vùng cổ làm đầu đột nhiên gật xuống rất nhanh, mất trương lực toàn thân có thể ngã bất ngờ.

III. Nguyên nhân gây bệnh động kinh

Ngoại trừ động kinh do chấn thương, trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh không rõ nguyên nhân hay còn gọi là động kinh vô căn. Tuy nhiên một tỷ lệ khác có thể do những yếu tố sau:

- Yếu tố di truyền: theo nhiều hướng khác nhau, phụ thuộc giới tính (hội chứng nhiễn sắc thể X) hoặc di truyền theo ty lạp thể ADN.

- Động kinh do bất thường về yếu tố hóa học trong não: Các kênh ion của não như kênh Na+, K+ và Ca2+  đóng vai trò quan trọng trong việc truyền các tín hiệu thần kinh, do vậy khi có sự mất cân bằng hóa học trong các tế bào não sẽ gây rối loạn dẫn truyền thần kinh và là nguyên nhân gây nên các cơn vắng ý thức cùng nhiều loại cơn động kinh khác.

- Động kinh do mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh: Các tế bào thần kinh gửi “thông điệp” qua nhau là nhờ những chất dẫn truyền thần kinh, chẳng hạn như Gamma aminobutyric acid (GABA), Serotonin, Acetylcholine. Sự bất thường trong các chất dẫn truyền thần kinh là một yếu tố quan trọng dẫn tới xuất hiện các cơn co giật, động kinh.

Nguyên nhân có thể liên quan đến tổn thương não bộ như: chấn thương sọ não hoặc vùng đầu (do tai nạn hoặc trong khi sinh), nhiễm trùng não (do viêm não, viêm màng não...); sau cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não, mất trí nhớ Alzheimer... hoặc ngay cả khi sốt cao co giật kéo dài cũng có thể tiến triển thành bệnh động kinh.

- Nguyên nhân liên quan đến cấu trúc não: như do bất thường ngay từ trong bào thai, rối loạn chuyển hóa trong não bộ bẩm sinh, do khối u não, xuất hiện các mạch máu và cấu trúc bất thường trong não không rõ căn nguyên.

- Ngoài ra: có thể do sử dụng một số loại thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến não như thuốc chống trầm cảm, rượu, ma túy…

IV. Bệnh động kinh có nguy hiểm không?

Sự nguy hiểm của động kinh không phải là tình trạng cấp tính của bệnh mà là những hệ lụy có thể xảy đến bất ngờ hoặc diễn ra âm thầm lặng lẽ bên trong não bộ, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, học tập và công việc thường ngày của người bệnh.

Chấn thương và tai nạn trong bệnh động kinh

- Chấn thương khi ngã: Biểu hiện cơn động kinh bị co cứng, co giật và mất ý thức đột ngột do vậy bệnh nhân có thể ngã xuống một cách bất ngờ và thương tích phổ biến nhất là gãy xương do ngã va đập vào những vật xung quanh.

Té ngã, tự gây tổn thương là mối nguy cơ hàng đầu bệnh nhân động kinh

- Chấn thương tại nhà: Phòng bếp và phòng tắm là những nơi nguy hiểm đối với người bệnh động kinh. Tai nạn có thể xảy ra khi cơn động xuất hiện lúc bệnh nhân đang nấu ăn, tắm như bị bỏng, ngạt nước hoặc ngã va đập vào đồ gia dụng cứng.

- Tai nạn khi lái xe, lao động: Sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân lên cơn động kinh lái xe, điều kiển máy móc, lao động trên cao… có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.

- Tai nạn khi thể dục, thể thao: Bệnh nhân có thể bị đuối nước khi đang bơi lội, do vậy, tốt nhất họ nên tránh đi bơi hoặc bơi ở những vị trí nước nông và có bạn bè, người thân ở xung quanh.

Giảm khả năng nhận thức, tư duy, trí nhớ, đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ

Cơn động kinh gây cảm giác mệt mỏi, giảm nhận thức trí tuệ, đặc biệt là thể động kinh cơn vắng ý thức khiến trẻ lơ đãng, hay quên, không tiếp thu được kiến thức bên ngoài, điều này có thể thấy rõ trong bảng kết quả học tập của trẻ.

Rối loạn tâm lý, cảm xúc

Động kinh kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ cao gặp phải những rối loạn tâm lý như tâm thần, trầm cảm, lo âu, tiêu cực hơn là suy nghĩ tự tử bởi họ luôn tự ti về bản thân mình.

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

Rối loạn cảm xúc cùng sử dụng thuốc kéo dài có thể gây suy giảm khả năng tinh dục, rối loạn cương dương ở nam giới. Hoặc gây dị tật tới thai nhi nếu dùng thuốc kháng động kinh không phù hợp trong thời kỳ đầu mang thai của phụ nữ.

V. Các phương pháp phòng và điều trị bệnh động kinh

Điều trị động kinh dùng thuốc

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng động kinh nhằm điều trị và kiểm soát các cơn co giật. Một số thuốc có thể được sử dụng như Phenobarbital, Ecorat Chrono (Valproate Sodium), Phenytoin...

Điều trị động kinh không dùng thuốc

Không phải dạng động kinh nào cũng đáp ứng ngay với các thuốc điều trị, một số trường hợp do yếu tố cơ địa hoặc sử dụng thuốc không đúng theo chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên không phải vì vậy mà mất hết hy vọng, các nhà khoa học nhận thấy rằng, việc kết hợp giữa chế độ ăn uống, sinh hoạt cùng những hoạt chất sinh học tự nhiên có khả năng ức chế sự kích thích quá mức của các tế bào thần kinh, có thể mang lại những hiệu quả bất ngờ trong việc kiểm soát những cơn co giật, động kinh.

- Thay đổi chế độ ăn: Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, chê độ ăn kiêng Ketogenic giàu chất béo và protein nhưng ít carbohydrate có thể giúp làm giảm bớt các cơn co giật ở bệnh nhân động kinh, tuy nhiên cần được thực hiện dưới sự theo dõi của chuyên viên y tế.

- Thay đổi chế độ sinh hoạt, làm việc, điều chỉnh về tinh thần: Căng thẳng, stress có thể là một tác nhân kích thích cơn động kinh xuất hiện, do đó, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt sao cho hợp lý, tránh làm việc quá sức, thức quá khuya hoặc rượu bia, thuốc lá, đồng thời nên thư giãn bằng cách tập hít thở sâu, ngồi thiền, tập yoga rất tốt cho sức khỏe.

- Sử dụng những sản phẩm bổ trợ chứa những hoạt chất thiên nhiên tốt cho người bệnh động kinh. Một trong những nguyên nhân gây ra động kinh là do thiếu hụt GABA – chất ức chế thần kinh trung ương, do đó việc bổ sung GABA đang là một hướng đi mới nhằm làm giảm tần suất và mức độ co cứng, co giật. 

Điều trị bằng phẫu thuật

Một số loại động kinh có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vùng não bị tổn thương nhằm ngăn ngừa cơn tái phát. Tuy nhiên sau một thời gian áp dụng tại Việt Nam thì hiện nay phương pháp này đang tạm dừng lại do nguy cơ gây tai biến và các di chứng khác cho bệnh nhân.

VI. Cách xử trí và chăm sóc cho người bệnh động kinh

Trong cơn động kinh, người bệnh có thể sẽ bị mất ý thức, co giật không kiểm soát khoảng vài phút, hoặc có thể là lâu hơn. Nếu chưa bao giờ chứng kiến cơn động kinh thì chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy lo lắng, bối rối, thậm chí sợ hãi và không biết mình nên làm gì để giúp họ? Dưới đây sẽ là câu trả lời cho bạn.

Khi gặp một người đột nhiên ngã xuống đất, co giật co cứng toàn thân thì điều đầu tiên bạn cần phải bình tĩnh, sau đó lần lượt thực hiện theo các bước sau:

- Loại bỏ tất cả những đồ vật cứng, sắc nhọn xung quanh bệnh nhân ra xa để tránh những chấn thương do va đập khi co giật không kiểm soát.

- Kê một vật mềm dưới đầu bệnh nhân chẳng hạn như gối, áo, khăn… nếu người đó dùng kẹp tóc thì nên tháo chúng ra khỏi đầu..

- Nới lỏng cổ áo, cà vạt để cho bệnh nhân dễ thở, nghiêng người và đầu bệnh nhân sang một bên, tốt nhất là bên trái để đờm dãi, chất nôn (nếu có) chảy ra ngoài, tránh gây tắc nghẽn đường thở.

Lưu ý:

- Nhiều người nghĩ rằng đặt một vật gì đó vào miệng sẽ tránh cho bệnh nhân không cắn vào lưỡi… nhưng điều này là không nên bởi vì làm như vậy sẽ cản trở đường thở và dễ gây tổn thương cơ hàm trong khi nguy cơ cắn vào lưỡi trong cơn động kinh là rất thấp. Đồng thời không cho họ uống nước hoặc ăn bất cứ thứ gì khi chưa hoàn toàn tỉnh táo.

- Sau cơn co giật, người bệnh có thể bị nôn (ói mửa) nên cần xoay đầu họ nghiêng về một bên để chất nôn không ứ lại trong miệng gây ngạt.

- Không giữ chặt chân tay, để bệnh nhân co giật tự do cho tới khi tỉnh lại vì giữ chặt rất có thể bạn sẽ làm tổn thương các cơ của họ.

- Theo dõi thời gian diễn ra cơn co giật để làm dữ liệu cho bệnh nhân khi họ đi thăm khám.

- Nên đề nghị mọi người xung quanh di chuyển ra xa và không nên nhìn chằm chằm vào người bệnh, rất có thể sau cơn động kinh người bệnh sẽ bị đi tiểu không tự chủ làm ướt quần, bạn hãy cố gắng che giấu điều này đề tránh cho người bệnh cảm thấy xấu hổ.

- Sau cơn co giật người bệnh thường mệt mỏi và chưa hoàn toàn tỉnh táo ngay, do vậy bạn nên ở lại để giúp đỡ, nói chuyện và trấn an họ thêm khoảng 20 phút.

Hãy gọi trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bệnh nhân có những dấu hiệu sau:

- Cơn động kinh kéo dài trên 5 phút mà không có dấu hiệu dừng lại hoặc cơn co giật tiếp theo diễn ra ngay sau đó ít phút.

- Co giật kèm theo ngưng thở trên 30 giây hoặc bất tỉnh trong vòng 5 phút sau khi hết cơn co giật.

- Cơn động kinh xảy ra dưới nước, có sự chấn thương do ngã va đập

- Người lên cơn động kinh có mang thai

Người bệnh động kinh thường cảm thấy mặc cảm, tự ti về tình trạng bệnh của mình, do vậy gia đình, bạn bè và những người xung quanh cần có thái độ cảm thông, động viên, chia sẻ để họ có thể sống hòa nhập với cộng đồng.

Nguồn: Tổng hợp

Thanh Toàn